Trường Tiểu học Bán trú Phù Đổng hưởng ứng Tuần lễ học tập suốt đời năm 2024

          Dân tộc Việt Nam ta vốn thông minh và hiếu học. Từ xa xưa, các thế hệ người Việt Nam luôn coi trọng việc học, xem việc học tập là nền tảng cho mọi thắng lợi. Truyền thống đó đã được hình thành và phát triển trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. Trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục, tự học và học tập suốt đời là một luận điểm quan trọng và xuyên suốt. Người từng nói: “Sự học là vô cùng”, “Thế giới tiến bộ không ngừng, ai không học là lùi”; “Học hỏi là việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi”. Lịch sử của nhân loại và lịch sử của dân tộc Việt Nam ta đã có những tấm gương biết nỗ lực học tập suốt đời để trở thành những con người vĩ đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một gương sáng về học tập suốt đời, kể cả khi trở thành một vị lãnh tụ thiên tài, Bác vẫn không ngừng học tập để hoàn thiện tri thức và nhân cách của bản thân.

          Đất nước ngày càng phát triển, chúng ta đang tiến lên theo con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vì vậy, cần có những người có đầy đủ kiến thức khoa học kĩ thuật, văn hóa… để tiếp xúc với cái mới. Tất cả mọi người cần phải không ngừng học tập để có trình độ đáp ứng nhu cầu của cuộc sống. Lê-nin đã từng nhắc nhở: “Học, học nữa, học mãi”. Câu nói đã trở thành một chân lí cho mọi thời đại, mọi thế hệ con người.

          Vậy học là gì? Học là một công việc mà mỗi chúng ta phải làm hằng ngày và có thể là cả cuộc đời. Học là một quá trình tìm hiểu, thu nhận, tích lũy kiến thức của thầy cô giáo, của những người đi trước truyền lại, nhằm tăng thêm hiểu biết về mọi mặt trong xã hội. Học ở đây không chỉ đến trường mới học, mà ngay từ nhỏ, khi ta còn sống trong vòng tay của bố mẹ, bố mẹ đã dạy ta học ăn, học nói, học cách cư xử trong cuộc sống. Đến tuổi đi học, chúng ta được học tập theo chương trình của từng cấp học với sự dạy dỗ tận tình của thầy, cô giáo. Bên cạnh những kiến thức học được ở trường, chúng ta còn học qua bạn bè, qua sách, báo và các phương tiện thông tin đại chúng.

 

          Thực hiện Công văn số 557/PGDĐT của Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Tuy Hòa, Trường Tiểu học Bán trú Phù Đổng đã tổ chức chuỗi hoạt động đầy ý nghĩa nhằm khuyến khích và lan tỏa tinh thần ham học, yêu sách trong toàn thể học sinh, từ ngày 30/9/2024 đến 06/10/2024 về việc Tổ chức Tuần lễ học tập suốt đời năm 2024. Trường Tiểu học Bán trú Phù Đổng triển khai thực hiện các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ học tập suốt đời 2024 đảm bảo hiệu quả, góp phần củng cố và nâng cao chất lượng dạy và học.

          Thực hiện chủ đề của tuần lễ năm 2024 “Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời” Trường Tiểu học Bán trú Phù Đổng đã phát động phong trào thi đua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dạy, học và hoạt động thư viện; chia sẻ về sách, văn hóa đọc nghiên cứu khoa học… góp phần từng bước phát triển hệ sinh thái chuyển đổi số hoạt động dạy, học.

          Giáo viên lồng ghép linh hoạt các trò chơi từ phần mềm trong các hoạt động trong ngày của trẻ, tích cực sáng tạo thêm nhiều trò chơi mới giúp các em hứng thú, say mê khi được tiếp xúc với bảng tương tác điện tử. Học sinh được tương tác trực tiếp với bài giảng với cô giáo, sự giao lưu giữa cô và học sinh được mở rộng hơn, giúp học sinh chủ động và tích cực hơn trong mỗi hoạt động.

 

          Để có bài giảng điện tử hay, sáng tạo thì bản thân mỗi giáo viên trong nhà trường không ngừng học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực công tác cho bản thân qua đồng nghiệp, qua sách báo, qua mạng internet….

          Ngoài ra, các hoạt động thư viện; chia sẻ về sách, văn hóa đọc cũng được nhà trường quan tâm, chú trọng trong các hoạt động giáo dục. Thư viện rất cần thiết cho việc nuôi dưỡng thói quen đọc, khả năng khám phá của học sinh. Ở mỗi lớp đều có góc thư viện hoặc góc sách của học sinh có các loại sách với những thể loại tranh truyện, thơ, truyện cổ dân gian… Các hoạt động tại thư viện giúp học sinh làm quen với văn hóa đọc, hỗ trợ phát triển ngôn ngữ và tăng khả năng ghi nhớ mặt chữ. Những cuốn sách xinh xắn, những câu chuyện sinh động hấp dẫn đầu tiên đến với học sinh như một đồ chơi đặc biệt. Trong quá trình tương tác với sách, học sinh được hoạt động, được nghe và tập kể lại những câu chuyện thú vị. Và đọc sẽ trở thành nhu cầu tự nhiên của từng học sinh. Dần dần tình yêu với sách, thích đọc sách, ham đọc, văn hóa đọc được hình thành.

          Xây dựng và bồi dưỡng cho học sinh những thói quen tốt đẹp đồng nghĩa với việc giúp học sinh tích lũy một nguồn vốn về tri thức. Tạo dựng thói quen đọc sách và yêu sách là một việc làm quan trọng của gia đình, nhà trường và toàn xã hội để giúp học sinh có một nguồn vốn dồi dào cho việc hình thành và phát triển nhân cách. Vì thế gieo mầm “văn hóa đọc sách” cho học sinh là hướng đi đúng đắn, thiết thực để đặt nền tảng cho văn hóa đọc của mỗi người đồng thời hướng đến xã hội học tập trong điều kiện chuyển đổi số hiện nay.

          Với thông điệp “Học tập suốt đời là chìa khóa của mọi thành công”, mỗi cán bộ giáo viên, nhân viên Trường Tiểu học Bán trú Phù Đổng sẽ tiếp tục không ngừng học tập để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nhà giáo, để “mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo” cho học sinh noi theo xứng đáng là địa chỉ tin cậy của các bậc phụ huynh.

Trường THBT Phù Đổng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *